Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp các cặp đôi trao cho nhau chiếc nhẫn cưới trong buổi lễ thành hôn, và việc đó cũng đã trở thành một nghi thức truyền thống không thể bỏ của phong tục cưới hỏi. 


Nhẫn cưới là một trong số những vật hiếm hoi mang tính chất “toàn cầu”. Dù ở bất kỳ quốc gia nào, dân tộc, tôn giáo nào thì vào ngày lễ trọng đại, các cặp đôi đều trao nhau chiếc nhẫn cưới. Chiếc nhẫn cưới là minh chứng cho việc đâm hoa kết trái của một tình yêu đẹp đẽ, là vật “ thề non hẹn biển”, là tín vật định tình đánh dấu kết thúc một chặng đường tìm hiểu, hẹn hò, mở ra một chặng đường mới - chặng đường hôn nhân, kết nối hai cuộc đời với nhau mãi mãi.


Vậy nhẫn cưới có nguồn gốc từ đâu?


Tín vật đính ước này bắt nguồn từ sa mạc Bắc Phi cổ xưa nơi các nền văn minh Ai Cập cổ đại phát triển phồn thịnh, dọc theo bờ sông Nile màu mỡ. Chiếc nhẫn đầu tiên của nhân loại xuất hiện vào khoảng 4800 năm trước công nguyên, được làm từ cói, gai dầu, bấc và lau sậy bệnh vào nhau, đi cùng với một chiếc vòng lớn hơn để đeo ở cổ tay.


 (Hình ảnh minh họa)


Sở dĩ người ta chọn vòng tròn bởi vì người Ai Cập cổ xưa quan niệm cho rằng: Vòng tròn có chung điểm đầu và điểm cuối với ý nghĩa: Dù các cặp đôi có đi những hành trình dài khác nhau nhưng nếu đã thuộc về nhau thì cuối cùng họ vẫn sẽ là của nhau và hành trình mà họ trải qua chính là hành trình trong vòng tròn hạnh phúc của tình yêu.

 

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, người đàn ông phải rời xa gia đình, rời xa những người vợ thân yêu của mình để tham chiến. Vì thế, như là một cách để luôn nhớ về gia đình thân thương, nhớ về người vợ đang ngày đêm mong ngóng chồng trở về, họ bắt đầu đeo nhẫn cưới.  Đó là một hành động rất lãng mạn, tràn đầy tình yêu của người đàn ông có trách nhiệm, chính vì vậy nó đã tồn tại đến tận thời nay.


Vậy từ khi nào nhẫn cưới lại được làm từ vàng?


Người Ai Cập cổ đại nhanh chóng nhận ra cói và lau sậy không thể bền lâu được, họ đã thay thế bằng các loại vật liệu khác như: da, xương hoặc ngà voi… Đến khi thuật luyện kim ra đời và đứng trên đỉnh huy hoàng, nhẫn kim loại từ đồng và đá quý cũng vì thế mà xuất hiện

Ở Châu Âu thời Trung Cổ, sự phát triển nhanh chóng của đồng tiền vàng đã tạo ra những chiếc nhẫn cưới lộng lẫy bằng vàng với các loại đá quý như: hồng ngọc đỏ, kim cương,…

Thời kỳ Phục Hưng trở lại mang theo sự “trống trị” của bạc trong tất cả các mẫu nhẫn cưới. Một chiếc nhẫn bạc khắc chữ tráng men màu đen được xem là “mốt” nhất thời bấy giờ.

Mãi đến thế kỷ XVII, vàng mới quay trở lại và chiếm lĩnh vị trí hàng đầu khi chế tác nhẫn cưới.

Tại sao nhẫn cưới lại được đeo ở ngón áp út bàn tay trái?

Chúng ta đeo nhẫn cưới ở ngón áp út bàn tay trái vì từ xa xưa loài người tin rằng trên ngón áp út của bàn tay trái có một tĩnh mạch được nối trực tiếp đến trái tim, được gọi là “vena amoris”, nghĩa là tĩnh mạch của tình yêu theo tiếng Latinh.

Văn hóa Trung Hoa cho rằng, ngón cái là ngón tượng trưng cho cha mẹ, ngón trỏ là tình cảm dành cho anh chị em ruột thịt, ngón giữa là cho bản thân, áp út là cho bạn đời và ngón út là cho con cái của bạn. 

Phong tục cưới của người Do Thái thì lại thêm vào một nét riêng,trong nghi thức lễ, cô dâu sẽ đeo nhẫn cưới trên ngón trỏ của mình cho đến cuối buổi lễ mới chuyển sang đeo ở ngón áp út bàn tay trái.

Ngoài ra, ở một số nước trên thế giới, nhẫn cưới cũng được đeo ở ngón áp út bàn tay phải như: Ba Lan, Đan Mạch, Áo, Nga,Tây Ban Nha...Hoặc chẳng hạn ở Ấn Độ bàn tay trái được xem là không may mắn nên nhẫn cưới được họ đeo ở tay phải.


(Hình ảnh minh họa)

Ngày nay, nhẫn cưới không bị giới hạn ở mẫu mã, kiểu dáng hay vật liệu tạo thành,nhưng ý nghĩa “gắn kết trọn đời” và “tĩnh mạch nối trực tiếp đến trái tim” luôn trường tồn và bất diệt theo thời gian. Vì thế, khi đeo vào chiếc nhẫn cưới, hãy cùng người bạn đời của bạn cùng nhau gắn kết, vượt qua mọi khó khăn thử thách, cùng nhau hạnh phúc bước trên chặng đường tương lai phía trước.